Cấm chỉ toàn hệ thống

From Meta, a Wikimedia project coordination wiki
This page is a translated version of the page Global bans and the translation is 96% complete.
Outdated translations are marked like this.

Cấm chỉ toàn hệ thống (hay cấm chỉ toàn cục) là lệnh chính thức nhằm thu hồi đặc quyền sửa đổi hoặc các đặc quyền truy cập khác (ví dụ như quyền sử dụng "Đặc biệt:Gửi thư") trên tất cả các dự án Wikimedia. Cấm chỉ toàn hệ thống phản ánh sự đồng thuận rộng rãi và rõ ràng của cộng đồng. Cấm chỉ không phải là hình thức trừng phạt, cũng không nhằm “hạ nhiệt”. Mục đích của cấm chỉ toàn hệ thống là giúp các dự án Wikimedia ngăn chặn thiệt hại khi cộng đồng không thể giải quyết vấn đề bằng các biện pháp nhẹ hơn, và do vậy thường là vĩnh viễn.

Cấm chỉ toàn hệ thống được áp dụng có chọn lọc khi nhiều cộng đồng độc lập trước đó đã quyết định cấm chỉ một thành viên do thường xuyên lạm dụng quyền sửa đổi. Các dự án Wikimedia đều mang tính tự quản. Khi người dùng quyết định tham gia vào một cộng đồng mới, đó thường được xem là một thiện ý, bất kể họ đã từng hoạt động ra sao ở các dự án khác. Vì vậy, cấm chỉ toàn hệ thống không phải như việc người dùng bị cấm tạm thời, hay chỉ bị cấm chỉ trong một dự án mà thôi. Xin nhớ, cấm chỉ toàn hệ thống là tác vụ rất hiếm khi xảy ra.

Cần phân biệt cấm chỉ toàn hệ thống với cấm trên toàn bộ hệ thống, một biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn địa chỉ IP hoặc một dải địa chỉ IP (ví dụ như thành viên chưa đăng ký) không cho sửa đổi bất kỳ Dự án Wikimedia nào, ngoại trừ Meta-Wiki. Chính sách này chỉ bao gồm các lệnh cấm chỉ toàn hệ thống do cộng đồng ban hành. Wikimedia Foundation cũng có quyền đơn phương cấm chỉ bất kỳ ai trên toàn cục và những lệnh cấm toàn cục đó được bảo vệ bởi Chính sách cấm chỉ toàn hệ thống của Wikimedia Foundation.

Các tiêu chí cấm chỉ toàn hệ thống

Cấm chỉ toàn hệ thống chỉ được xem xét nếu đáp ứng tất cả những tiêu chí sau đây:

  1. Người dùng cứ lặp đi lặp lại hành vi lạm dụng tại nhiều wiki mà không đơn thuần chỉ là phá hoại hay xả rác. Không cần phải cấm chỉ toàn hệ thống đối với hành vi phá hoại hay xả rác rõ ràng tại nhiều wiki, vì các trường hợp này có thể chỉ cần cấm hoặc khóa (có thể được tiếp viên thực hiện, mà không cần phải thảo luận thêm). Xem Trang yêu cầu tiếp viên/Toàn cục.
  2. Người dùng đã được thông báo một cách cẩn thận về cách tham gia đúng đắn tại các dự án và đã có cơ hội hợp lý để khắc phục vấn đề. Các dự án này cần phải chứng minh rằng họ đã cố gắng, một cách có thiện ý, giải thích các hành vi và cách làm chấp nhận được, phù hợp với nhiệm vụ và phạm vi của dự án đó. Tiêu chí này là để đảm bảo người dùng đã biết được những mong đợi chính đáng của cộng đồng, và từng có nhiều cơ hội để giải quyết các vấn đề một cách phù hợp, nhưng vẫn chọn cách hoạt động không chính đáng tại các dự án.
  3. Người dùng đang bị cấm hay cấm chỉ vô thời hạn tại hai dự án trở lên. Những lệnh cấm hay cấm chỉ này xuất phát từ hành vi phá hoại của người dùng tại dự án đó, và không được bao gồm các lý do cấm để ngăn ngừa, như cấm trước để ngăn người dùng thực hiện bất kỳ sửa đổi nào tại wiki đó, hoặc lệnh cấm do vấn đề bảo mật tài khoản hoặc tên người dùng có vấn đề.

Thỏa mãn các tiêu chí tối thiểu ở trên không có nghĩa là cần phải cấm chỉ toàn hệ thống. Những lý do trong quá khứ khi yêu cầu cấm chỉ toàn hệ thống bao gồm:

  • Quấy rối hay đe dọa những người đóng góp vào các dự án, trong hay ngoài wiki.
  • Lừa đảo hoặc đánh cắp danh tính trong wiki một cách nghiêm trọng chứ không đơn giản chỉ là lạm dụng bằng cách tạo nhiều tài khoản.
  • Lạm dụng quyền được truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng, như quyền kiểm định hay giám sát.
  • Vi phạm chính sách về quyền riêng tư hay các quy định của Wikimedia.
  • Liên tục vi phạm bản quyền tại nhiều wiki

Liên quan đến chính sách địa phương

Chính sách này nhằm bổ sung cho những quy định và thủ tục hiện có trong tất cả các dự án, chứ không nhằm thay thế chúng. Việc quản lý quá trình giải quyết mâu thuẫn vẫn là trách nhiệm của mỗi cộng đồng, và quá trình này không phải là nơi để yêu cầu cấm chỉ hoặc cấm một người dùng tại một dự án đơn lẻ.

Liên quan đến Điều khoản Sử dụng

Điều khoản Sử dụng của Wikimedia, áp dụng công bằng cho tất cả người dùng ở mọi dự án, có nhắc đến quy định này và hỗ trợ việc cấm chỉ người dùng nào vi phạm các thỏa thuận đã đề ra hoặc bất kỳ quy định và hướng dẫn bắt buộc khác của cộng đồng. Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ các website Wikimedia, Quỹ đã, đang, và sẽ tiếp tục hỗ trợ sự đồng thuận của cộng đồng trong các quyết định liên quan đến cấm và cấm chỉ.

Sự đồng thuận khi ra quyết định cấm chỉ toàn hệ thống

Quy trình đơn giản hóa.

Đồng thuận thực hiện lệnh cấm chỉ toàn hệ thống được thực hiện thông qua quá trình đề nghị cho ý kiến tại Meta. Một yêu cầu cấm chỉ toàn hệ thống chỉ được chấp nhận khi thành viên đó thể hiện mình là một sự nguy hiểm rõ ràng và hiển hiện đến mọi cộng đồng Wikimedia, một quyết định có tính đại diện cho đại đa số các dự án Wikimedia có được do sự đồng thuận rộng rãi và rõ ràng, và sau khi đã xem xét một cách cẩn thận các lo ngại và hậu quả tiềm tàng của quyết định đó. Để bắt đầu cuộc thảo luận xem có bằng chứng về sự gây hại cho toàn bộ cộng đồng và có xứng đáng bị cấm chỉ toàn hệ thống hay không, xin làm theo các bước sau đây:

  1. Xác nhận rằng người dùng đó đáp ứng mọi tiêu chí để cấm chỉ toàn hệ thống trước khi mở một yêu cầu cho ý kiến.
  2. Đệ trình yêu cầu cho ý kiến trên Meta. Tiêu đề nên có tên tài khoản của người dùng bị yêu cầu cấm chỉ. Người yêu cầu phải cung cấp những hành động nghiêm trọng thỏa mãn mọi tiêu chí cấm chỉ toàn hệ thống một cách khách quan. Người yêu cầu cũng cần chứng minh rằng quyết định không chịu hoạt động một cách đúng đắn sẽ tạo ra mối nguy hại cho toàn bộ các cộng đồng Wikimedia.
  3. Thông báo cho người dùng đó về cuộc thảo luận trên mọi wiki mà họ hoạt động. Nếu người dùng bị đề cử cấm chỉ đã bị cấm trên Meta, có thể xem xét gỡ khóa tạm thời để người dùng có thể tham gia vào cuộc thảo luận.
  4. Thông báo cho các cộng đồng địa phương nơi người dùng đó thực hiện sửa đổi về cuộc thảo luận tại một nơi công cộng dễ thấy. Hãy đảm bảo tính trung lập khi thông báo và tránh các bình luận gây kích động, không chính xác, hoặc phóng đại.

Một đề cử không theo đúng các bước trên sẽ bị xem là vô hiệu, và có thể được đóng nhanh. Ngoài ra, để đề cử đúng quy trình, người đề cử phải:

  1. có tài khoản Wikimedia; và
  2. đã đăng ký được hơn 6 tháng trước khi yêu cầu; và
  3. có ít nhất 500 sửa đổi trên mọi dự án.

Sau khi một đề nghị cho ý kiến hợp lệ đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi và rõ ràng, một tiếp viên không tham gia và khách quan có thể đóng cuộc thảo luận. Thảo luận nên được mở ít nhất trong 2 tuần, nhưng không qua một tháng. Tiếp viên có thể kéo dài cuộc thảo luận trong một số trường hợp ngoại lệ. Yêu cầu có thể được đóng mà không cần thảo luận thêm nếu không còn thông tin nào có ích. Yêu cầu có thể được đóng sau khi đã có thảo luận kỹ lưỡng như không có khả năng đạt được đồng thuận.

Đa ngôn ngữ trong thảo luận

Xin lưu ý rằng thảo luận có thể và nên được thực hiện bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ phù hợp của các dự án mà người dùng này hoạt động. Có hàng trăm ngôn ngữ của các dự án Wikimedia, do đó nhiều cộng đồng khác nhau cần tham gia được thảo luận mang tính toàn cục bất kể họ có thành thạo ngôn ngữ thứ hai hay không. Trong trường hợp khi không có biên dịch viên, dịch máy có thể được dùng thay thế để các cộng đồng liên lạc với nhau.

Thực hiện cấm chỉ toàn hệ thống

Cấm chỉ toàn hệ thống sẽ chính thức tước một số hoặc mọi quyền tại toàn bộ các dự án Wikimedia, bất kể tài khoản đó có được kết nối thông qua hệ thống đăng nhập thống nhất hay không. Bất kỳ nỗ lực can thiệp lệnh cấm chỉ toàn hệ thống đang hiệu lực nào cũng được xem là vi phạm Điều khoản Sử dụng, bất kể sử dụng tài khoản nào. Theo đó, các cộng đồng cục bộ nơi người dùng bị cấm hoặc có hoạt động nên được thông báo tại nơi công cộng về quyết định này. Các tiếp viên cũng có thể quyết định khóa toàn hệ thống các tài khoản thay thế của tài khoản đã bị cấm chỉ toàn hệ thống.

Nếu đồng thuận yêu cầu hành động của tiếp viên, một yêu cầu cần được gửi đến các tiếp viên. Vui lòng cung cấp liên kết đến thảo luận tương ứng trong yêu cầu của bạn; nếu không nó sẽ bị từ chối vì thiếu sự đồng thuận.

Lật lại quyết định cấm chỉ toàn hệ thống

Quyết định lật lại một quyết định cấm chỉ toàn hệ thống được thực hiện thông qua quy trình yêu cầu cho ý kiến tại Meta, để có thể thu hút nhiều người tham gia nhất có thể. Một yêu cầu phải theo cùng quy trình đồng thuận như khi yêu cầu cấm chỉ, như đã nói ở trên.

Xem thêm